Trở lại

Người Bị Cao Huyết Áp Nên Ăn Và Không Nên Ăn Gì?

Người bị cao huyết áp cần cân nhắc khi xây dựng thực đơn ăn uống và xác định các thực phẩm nên ăn và không nên ăn nhằm cải thiện bệnh nhanh chóng, hạn chế can thiệp thuốc và ngăn ngừa các biến chứng.

an-gi-giam-huyet-ap.png

1. Bị Cao Huyết Áp Nên Bổ Sung Chất Gì?

Để đưa chỉ số huyết áp về lại mức cân bằng, người bị cao huyết áp (tăng huyết áp) cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh và kết hợp các bài tập thể dụng vừa sức.

Đặc biệt, đối với người có huyết áp tăng cao, nên bổ sung các chất với liều lượng như sau vào khẩu phần ăn hằng ngày:

– Chất đạm (Protein): Khoảng 0,8g đến 1g cho mỗi kg cân nặng của cơ thể. Ví dụ: Bạn nặng 48kg, lượng Protein bạn cần nạp dao động từ 38,4 đến 48g mỗi ngày.

– Chất béo: Khoảng 25g đến 30g mỗi ngày. Lưu ý, nên sử dụng các loại chất béo từ thực vật.

– Chất đường bột: Khoảng 300g đến 320g mỗi ngày.

– Chất xơ: Khoảng 300g đến 400g mỗi ngày.

– Muối, mắm, bột ngọt,…: Bạn không cần phải kiêng muối hoàn toàn, tuy nhiên cần dùng ở liều lượng cho phép là không quá 6g mỗi ngày.

– Các chất khác: Canxi, Kali, Magie theo chỉ định của chuyên gia y tế.

2. Bị Cao Huyết Áp Nên Ăn Gì?

Các Loại Rau Củ  

– Rau màu xanh: Các loại rau có màu xanh lá rất tốt cho chế độ dinh dưỡng của người cao huyết áp vì chúng làm tăng lượt Kali trong cơ thể để cân bằng lượng Natri. Từ đó, người bệnh có thể loại bỏ được Natri trong thận thông qua nước tiểu và làm huyết áp giảm xuống. Lưu ý, bạn cần mua rau sống thay vì rau củ đóng hộp.

Các loại rau: Rau cải xoăn, rau mồng tơi, rau xà lách, rau diếp cá, rau chân vịt,..

Củ cải đường: Loại củ này có tác dụng hạ huyết áp vì chúng chứa Nitrat. Ăn củ cải đường mang lại kết quả tích cực cho người cao huyết áp trong 24 tiếng.

– Tỏi: Hoạt chất Allicin trong tỏi rất có lợi cho sức khỏe, đồng thời làm tăng khả năng sản xuất Oxit Nitric giúp các mạch máu và cơ trơn thư giãn, hỗ trợ giúp giảm huyết áp.

– Khoai tây: Không chỉ giàu chất xơ, khoai tây còn chứa Kali và Magie có tác dụng làm hạ huyết áp.

Các Loại Trái Cây  

– Quả mọng: Người có huyết áp tăng cao có thể bổ sung các loại quả mọng trong thực đơn ăn uống. Cụ thể, Flavonoids được tìm thấy trong các loại quả mọng giúp ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao và làm hạ huyết áp hiệu quả.

Các loại quả mọng: Quả việt quất, quả mâm xôi, quả dâu tây,….

Quả chuối: Chuối là loại trái cây cung cấp lượng lớn Kali, có lợi cho sức khỏe của người bị tăng huyết áp.

bi-tang-huyet-ap-an-gi.png

Các Thực Phẩm Hằng Ngày

– Yến mạch: Thành phần của yến mạch chứa nhiều chất xơ có lợi với hàm lượng chất béo và Natri ở mức thấp. Vì thế, người bị tăng huyết áp có thể dùng món ăn này mỗi buổi sáng để nạp năng lượng cho cơ thể mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

– Sữa/Sữa chua không đường: Sữa cung cấp nhiều Canxi và ít chất béo, cần thiết trong việc hạ huyết áp.

3. Bị Cao Huyết Áp Không Nên Ăn Gì?

Các Loại Gia Vị Mặn

Đối với các loại gia vị mặn như muối, nước mắm, hạt nêm,… bạn không cần kiêng hoàn toàn nhưng nên sử dụng với liều lượng vừa đủ. Vì khi ăn quá mức, lượng Natri sẽ tăng cao dẫn đến các dịch tế bào tiết nhiều hơn, tim đập nhanh và huyết áp cũng tăng.

Ngoài ra, những món ăn như cà muối, dưa muối, kim chi,.. cũng cần cân nhắc liều lượng sử dụng.

Các Thực Phẩm Ngọt

Các món ăn làm từ đường cần sẽ khiến dễ tăng cân, béo phì dẫn đến huyết áp tăng cao.

Các Chất Kích Thích/Gây Nghiện

– Bia, rượu: Làm mất tác dụng của thuốc hạ áp và làm tình trạng bệnh trở nên xấu đi, đồng thời, rượu bia cũng khiến tim đập nhanh hơn, mạch máu co lại và huyết áp tăng cao.

– Thuốc lá: Khiến nhịp tim tăng cao, ngoài ra chất nicotin trong thuốc lá kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch khiến huyết áp tăng cao.

– Cà phê: Caphein trong cà phê kích thích tim đập nhanh dẫn đến tăng huyết áp.

bi-cao-huyet-ap-co-duoc-uong-ca-phe.png

Thức Ăn Chứa Nhiều Dầu Mỡ

Các món chiên, rán chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho người cao huyết áp, đặc biệt là dầu mỡ từ động vật vì dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp tăng cao.

Nội Tạng Động Vật

Nội tạng động vật chứa hàm lượng Cholesterol và chất béo bão hòa cao hơn so với thịt. Ăn nhiều thực phẩm này có thể làm tăng mỡ máu, mắc các bệnh tim mạch và tăng huyết áp.

4. Người Bị Cao Huyết Áp Cần Chú Ý Chế Độ Dinh Dưỡng Như Thế Nào?

Người Bị Tăng Huyết Áp Được Uống Nước Dừa Không? 

Nước dừa là loại thức uống có lợi cho sức khỏe và người cao huyết áp có thể sử dụng. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng cách nếu không sẽ dẫn đến tác dụng ngược.

Cụ thể, người bị tăng huyết áp chỉ nên dùng nước dừa nguyên chất, không thêm đường, thêm muối vào nước dừa; Không uống quá 3 trái dừa mỗi ngày; Không nên sử dụng nước dừa vào buổi tối vì có thể gây lạnh bụng.

thuc-pham-danh-cho-nguoi-bi-tang-huyet-ap.png

Người Có Huyết Áp Cao Được Dùng Mật Ong Không? 

Mật ong có chứa nhiều Kali giúp loại bỏ Natri ra ngoài cơ thể và làm giảm huyết áp. Ngoài ra, trong mật ong cũng có nhiều chất dinh dưỡng giúp bổ sung dưỡng chất và vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, mật ong có vị ngọt nên khi sử dụng cần dùng với một liều lượng hợp lý. Cần mua mật ong chuẩn để tránh bị pha đường trong mật ong.

Huyết áp cao là bệnh lý nguy hiểm với những dấu hiệu nhận biết không rõ ràng. Để cải thiện chỉ số huyết áp cũng như tăng cường sức khỏe cho cơ thể, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ và không tự ý (ngưng) sử dụng các loại thuốc nếu chưa được sự cho phép.

* Bài viết được tham vấn chuyên gia y tế thuộc Diag. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo và không thay thế tư vấn y khoa. Trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin đã cung cấp, vui lòng nhận sự chỉ định từ chuyên gia y tế. 

Tìm hiểu thêm các Bí quyết Sức khỏe tại đây